Trên hành trình du lịch Cà Mau chinh phục vùng đất cực Nam của Tổ quốc, du khách sẽ choáng ngợp trước không gian bao la bát ngát của rừng tràm, rừng đước; sẽ cảm thấy thân thương trước lối sống bình dị của người dân xứ biển; hòa nhịp với những âm điệu dân gian qua truyện kể Bác Ba Phi, đờn ca tài tử sâu lắng; trở về quá khứ hào hùng thông qua những di tích lịch sử … Nhưng tất cả sẽ không bao giờ đủ nếu thiếu đi không gian văn hóa ẩm thực trong mỗi sản phẩm du lịch mà du khách trải nghiệm.
Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, có rừng, có biển, sông, ao, đìa là điều kiện sống lý tưởng của nhiều loại động thực vật nước mặn, nước ngọt và nước lợ, có cả những loài sống trên trời, dưới đất và dưới nước, như: cá lóc, cá trê, cá rô, cá dứa, cá nâu, cá kèo, tôm, cua, ghẹ, sò huyết, hàu, nghêu, vọp, rùa, rắn, le le, dơi, chim, chuột…và thậm chí người ta còn ăn cả một số loài côn trùng như: đuông chà là, nhộng ong, dế, sâm đất…Hầu như loại nào cũng có thể chế biến thành thức ăn ngon. Ngoài những loại tươi sống, ở Cà Mau còn nổi tiếng với các loại dưa, mắm như: mắm lóc, mắm tép, dưa bồn bồn, ba khía muối, cá khô, tôm khô… Ngoài ra, nhiều loại cây cỏ là thức ăn dân dã “trời cho” cũng có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, lạ miệng; trong đó, bông hoa là phần cốt lõi, tinh túy từ cây cỏ cũng là thực phẩm. Thực phẩm bông hoa là “đặc sản” của vùng sông nước Cà Mau, như: bắp chuối, bông điên điển, bông súng, bông lục bình, đọt choại… Văn hóa ẩm thực đường phố Cà Mau cũng là một nét đặc biệt lôi cuốn do Cà Mau là nơi sinh sống của ba dân tộc anh em Kinh – Hoa – Khmer. Sự dung hợp và tiếp biến văn hóa đã hình thành nên một số món ăn mang sự pha trộn hết sức thú vị như bún nước lèo, bánh tằm cay, lẩu mắm, hủ tiếu, bún riêu cua, bánh canh ghẹ… bên cạnh các món ăn vặt truyền thống như bánh cam bánh cồng, chuối chiên, chuối nướng, bánh bò sữa, bánh khéo, vai vạc, cốm dẹp, bánh ống lá dứa…
Chính sự phong phú về động thực vật trên rừng, dưới biển đã góp phần tạo nên những món ăn ngon, dân dã, mang đậm hương vị quê hương. Các thức ăn thời kỳ khẩn hoang mang cái hồn quê mộc mạc của người nông dân. Các món ăn thường được chế biến rất đơn giản, không cầu kỳ, tỷ mỷ, công phu trong cách trang trí nhưng lại rất hấp dẫn bởi nguyên liệu tươi sống, hương vị quyến rũ. Xin giới thiệu đến du khách những món ăn ngon đặc sản Cà Mau nổi tiếng nhất định phải thưởng thức:
1. Cua Cà Mau:
Từ lâu cua Cà Mau không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc… Cua Cà Mau được đánh giá là cua ngon nhất trong cả nước vì hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào về khoáng chất và vitamin rất bổ dưỡng. Thịt cua Cà Mau vừa chắc, vừa thơm, vừa ngọt, vừa bùi và gạch cua thì béo ngậy không chê vào đâu được. Cua được chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như rang me, rang muối, hấp, cua trộn gỏi rau càng cua, bánh canh cua…
2. Cua đá rang muối:
Khi đến Cà Mau, nếu thực khách muốn ăn cua biển thì có lẽ đến bất cứ quán ăn, nhà hàng nào cũng có. Nhưng nếu muốn ăn cua đá thì thực khách phải đến đúng quán mới thưởng thức được món ngon này. Cua đá con không to như cua biển, con lớn nhất cũng chỉ bằng nắm tay, hình dáng nhìn hao hao như cua đồng. Có lẽ vì gọi là cua đá nên càng cua đá cũng cứng như đá. Muốn lấy được phần thịt bên trong thì phải dùng chày để đập hoặc dùng kềm để kẹp cho vỡ ra. Cua đá có thể chế biến được nhiều món, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món cua đá rang muối. Cua đá khi rang xong sẽ chuyển sang màu đỏ, thịt có màu trắng, mềm, hơi dai, thơm lừng, ăn có vị ngọt. Cua đá thường ăn kèm với rau răm và chấm với muối tiêu chanh.
3. Cá thòi lòi:
Cá thòi Lòi là đặc sản của vùng rừng ngập mặn Cà Mau vừa biết lặn, chạy trên mặt nước, trên cạn và còn biết leo cây. Cá thòi loì có giá trị dinh dưỡng cao, thịt cá không có xương dăm lại thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt thịt cá không tanh… nên được chế biến ra nhiều món ăn ngon như: nướng muối ớt, kho tiêu, nấu lẩu chua, chiên xù, làm khô…Nhưng món cá thòi lòi nướng trui là món ăn thơm ngon, dân dã mà lại dễ chế biến nhất. Điểm đặc biệt của cá thòi lòi nướng trui mà không loại cá nào thay thế được đó là khi để nguội thịt cá cũng không tanh mà vẫn bốc mùi thơm ngun ngút. Khô cá thòi lòi cũng là đặc sản nổi tiếng của Cà Mau. Khô thòi lòi chiên hoặc nướng vẫn giữ được hương vị thơm ngon riêng khác hẳn loài cá khác. Khô cá thòi lòi được nhiều du khách tìm mua khi đến Cà Mau.
4. Ốc len xào dừa:
Ốc len là loại nhuyễn thể, sống phổ biến ở rừng ngập mặn và là một món ăn đặc sản, nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Thịt ốc len có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm, vừa ngọt, vừa béo. Ốc len rửa sạch, dùng dao chặt bỏ phần nhọn của đuôi ốc, vắt nước cốt của dừa khô cho vào nồi cùng với ốc len, nêm nếm từ từ. Đến khi chín người ta chỉ cần hút nhẹ là thịt ốc len sẽ dồn vào miệng, vừa thơm ngon, vừa béo ngậy, thật hấp dẫn vô cùng. Nếu ai không thích nước cốt dừa thì xào sả ớt, hoặc luộc nước dừa tươi cũng thơm ngon không kém.
5. Sò huyết nướng mọi:
Sò huyết là một loại hải sản, là một đặc sản ở vùng Đất Mũi Cà Mau. Sò huyết sinh sống chủ yếu ở vùng bãi bồi, sông rạch, ao đầm nuôi tôm thuộc các vùng đất ngập mặn ven biển. Theo y học cổ truyền, sò huyết có vị ngọt, tính mặn, có tác dụng bổ huyết, kiện vị, chữa chứng huyết hư, thiếu máu. Trong con sò huyết có nguồn chất đạm phong phú, chứa nhiều khoáng chất có giá trị dinh dưỡng cao như can xi, magiê và kẽm giúp bồi bổ và tăng cường sức chịu đựng dẻo dai cho cơ thể con người. Sò huyết có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như rang muối, rang me, luộc, nấu cháo, xào sa tế, làm gỏi…Nhưng thật ra món sò huyết nướng mọi (nướng tái) mới là ngon tuyệt.
Hiện nay, trên thị trường đa số là sò huyết nuôi, kích cỡ nhỏ nên đem rang muối, rang me hoặc các món khác thì phù hợp. Nếu muốn ăn sò huyết nướng mọi thì phải tìm sò rừng (tức là loại sò huyết sinh sống trong tự nhiên ở khu vực Bãi Bồi Mũi Cà Mau. Sò huyết nướng mọi phải ăn lúc còn nóng, chấm với muối tiêu chanh và thường ăn kèm với rau răm.
6. Vọp nướng chấm muối tiêu chanh:
Nếu có dịp lại vùng Đất Mũi Cà Mau, du khách đừng bỏ qua món ngon dân dã nhưng mang đậm hương vị của rừng, của biển. Đó là món ngon vọp nướng chấm muối tiêu chanh. Khi chế biến món vọp nướng, cũng có thể cho thêm một ít mỡ hành, đậu phộng để làm gia tăng thêm hương vị bùi bùi, béo béo của món ăn dân dã này. Khi nướng, vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt, để lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai và ăn không còn ngon, ngọt. Thịt vọp chấm với muối tiêu chanh bạn sẽ thấy vị ngọt của vọp, vị thơm của các loại rau ăn kèm, vị chua cay tiêu chanh và vị mặn của muối, hòa quyện trong đó là mùi hương đặc trưng của than củi của khói bếp lò phảng phất…tất cả đã làm nên những món ăn ngon, đặc sắc mang đậm bản sắc địa phương. Ngoài ra bạn có thể thưởng thức thêm các món khách như vọp xào bồn bồn, vọp luộc gừng…Nhiều nhà hàng ở TP.Cà Mau đều có món vọp nướng đặc sản rừng ngập mặn này trong thực đơn nên du khách có thể dễ dàng tìm và thưởng thức món ăn này khi đến Cà Mau.
7. Tôm tích:
Cà Mau vốn được mệnh danh là miền quê “cá bạc, tôm vàng” nên hầu như loại hải sản nào cũng là đặc sản trứ danh nổi tiếng. Riêng tôm tích có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như món tôm tích luộc nước dừa chấm muối tiêu chanh, tôm tích nướng, tôm tích chiên tỏi…
8. Tôm nướng muối ớt:
Món tôm nướng muối ớt là món ăn quen thuộc của người dân Cà Mau vì lưu giữ vị ngọt đậm đà của tôm. Hiện nay, nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP. Cà Mau và các huyện trong tỉnh Cà Mau đều có bán món tôm nướng muối ớt. Từng xiên tôm cay thơm, vị ngọt đậm đà làm nên một món ngon vô cùng hấp dẫn, thật thích hợp để du khách ngồi nhâm nhi trong những ngày mát trời khi về thăm Đất Mũi Cà Mau.
9. Hàu nướng mỡ hành:
Về Cà Mau du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ngon hàu nướng mỡ hành chấm muối tiêu chanh. Ở Cà Mau, ngoài hàu từ thiên nhiên, người dân còn nuôi hàu bằng lồng và tập trung nhiều ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Thịt hàu rất ngon lại giàu chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe có thể chế biến thành nhiều món ngon như hàu nấu cháo, nấu lẩu, hàu xào, hàu chấm mù tạc… Tuy nhiên, hàu nướng mỡ hành là ngon nhất vì món này rất thơm ngon và giữ lại gần như nguyên vẹn vị ngon ngọt của nó. Hàu nướng mở hành có vị béo, ngọt của thịt hàu và mùi thơm của mỡ hành, tạo nên món ăn hấp dẫn và khó lòng quên được. Hàu nướng mỡ hành ăn kèm với rau răm, rau thơm và chấm với muối tiêu chanh thêm một ít mù tạt. Món hàu nướng mỡ hành có bán nhiều tại các nhà hàng, quán ăn ở thành phố Cà Mau; các điểm du lịch Hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời và Năm Căn, Đất Mũi.
10. Cá khoai:
Ở Cà Mau, cá khoai có nhiều ở vùng biển Tây, nhất là khu vực gần cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân); Sông Đốc, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời); Khánh Hội (huyện U Minh); Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển). Cá Khoai chế biến được nhiều món ăn ngon như làm khô, nấu cháo, nấu lẩu…
11. Nghiêu Khai Long:
Là một trong những đặc sản của vùng biển Khai Long, huyện Ngọc Hiển, nghêu là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nên được dùng làm nguyên liệu để chế biến ra nhiều món ăn ngon. Điều khác biệt của nghêu Khai Long là ít ngậm cát, con to, mập ú, nhiều thịt, thịt thơm ngọt. Nghêu hấp sả là món đơn giản, dễ chế biến nhưng vẫn giữ được vị ngọt đặc trưng của nghêu tươi, kết hợp với vị cay của ớt, thơm của sả tạo thành món ăn làm lưu luyến lòng người.
12. Cá lóc nướng trui:
Các món nướng ở Cà Mau rất nổi tiếng, bởi nó ngon từ nguyên liệu chế biến và cách nướng theo nhiều kiểu độc đáo, giữ được sự tinh túy, nguyên bản của thực phẩm. Riêng món cá lóc nướng trui là phải nướng bằng rơm thì thịt cá mới thơm và ngon. Cá lóc nướng trui được gói bánh tráng kèm với ít bún hoặc bánh hỏi, rau diếp cá, rau thơm, hẹ sống, dưa leo, chuối chát, khóm và phải chấm với nước mắm me đặc quánh hoặc nước mắm ngon pha với tỏi, chanh, ớt, đường, bột ngọt…Tất cả vị mặn, ngọt, chua, cay và bùi của thịt cá không gì có thể sánh bằng.
13. Cá nâu kho trái giác:
Cá nâu sống hoàn toàn tự nhiên, chủ yếu ở các vùng nước mặn hay nước lợ. Thịt cá nâu ngọt, béo có thể chế biến thành nhiều món như: muối sả ớt chiên, gói lá chuối nướng than, nấu canh chua cơm mẻ,…nhưng ngon hơn hết vẫn là cá nâu kho trái giác. Trái giác là trái của loại dây leo hoang dã thường quấn quanh các lùm cây trong rừng, ven sông rạch. Trái giác sống có màu xanh, chín có màu đen thẫm, bên trong có màu tím như trái mồng tơi. Trái già vị chua, ngọt thanh. Vị chua “rất đặc trưng” nầy là thứ gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người dân vùng U Minh. Ngoài việc dùng làm gia vị, trái giác còn được người dân nơi đây sản xuất thành một loại rượu nổi tiếng là “rượu trái giác”. Cá nâu kho trái giác ăn với cơm trắng kèm theo một số loại rau vườn như: bông súng, bông lục bình, cù nèo,.. thì ngon lắm, ăn mãi quên thôi. Cái vị chua chua, thanh thanh của trái giác hòa cùng vị ngọt béo của cá nâu sẽ khiến người ăn nhớ mãi.
14. Lẩu mắm U Minh:
Về Cà Mau du khách đừng quên thưởng thức món ngon dân dã, mang đậm hương vị đồng quê – lẩu mắm U Minh. Nguyên liệu chế biến chính là mắm. Có thể sử dụng được nhiều loại mắm đồng như mắm lóc, mắm rô, mắm trê… Nhưng ngon nhất và hấp dẫn nhất là mắm sặc ngon (không quá mặn hoặc quá ngọt), mang đậm hương vị của rừng U Minh Hạ Cà Mau.
15. Gỏi ong non:
Rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau nổi tiếng với nghề gác kèo ong. Ngoài việc lấy mật, lấy tàn ong để nấu sáp, người gác kèo ong còn lấy nhộng ong để chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, mang đặc trưng của cư dân miệt rừng như nấu cháo, làm mắm. Trong đó, hấp dẫn nhất là lấy nhộng ong để làm món gỏi ong non. Món gỏi ong non thường ăn kèm với rau răm, rau thơm, quế. Và khi đã một lần được thưởng thức thì khó có du khách nào mà quên được món ăn mang đậm hương vị đồng quê của miệt rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau.
16. Cá kèo nướng muối ớt:
Nói đến cá kèo thì khó có nơi nào trên dải đất Việt Nam này có thể sánh bằng cá kèo vùng Đất Mũi Cà Mau. Cá kèo có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như nấu canh chua, nấu cháo, chiên giòn, kho gừng, kho tộ, làm khô… nhưng có lẽ ngon nhất và hấp dẫn nhất là món cá kèo nướng muối ớt. Món ăn này vừa mang đậm vị ngọt, vị béo của cá và vị mặn mặn, cay cay của rừng, của biển. Cá kèo nướng muối ớt thường ăn kèm với rau thơm, húng lủi, quế, hẹ sống, dưa leo… và chấm với nước ớt xanh hoặc nước mắm tỏi ớt hay nước mắm me cay thì thật là tuyệt.
17. Cá rô chiên xù:
Hễ vào đầu mùa mưa là cá rô ở trong ao, đìa, kênh rạch kéo nhau đi (hay còn gọi là cá lên), có con lóc lên bờ, lóc qua đập để sang ao, đìa khác, con nào cũng mang một bụng trứng. Nhưng cá rô vào đầu mùa mưa ăn sẽ không ngon vì cá ốm. Nếu muốn ăn cá rô ngon là phải chọn mùa lúa chín, hoặc mùa là thu hoạch cá đồng (mùa khô), lúc này cá mập ú. Cá rô đồng có thể chế biến nhiều món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương như: cá rô kho tộ, nướng, nấu canh chua…nhưng ngon nhất và hấp dẫn nhất vẫn là món cá rô chiên xù. Cá rô chiên xù phải chấm với nước mắm me hoặc nước mắm ngon làm với tỏi, ớt…thì mới tuyệt. Vị mặn, ngọt, chua, cay của nước mắm hòa quyện cùng với mùi thơm, vị ngọt và giòn của thịt cá sẽ làm cho người thưởng thức khó có thể quên được.
18. Mắm ba khía Rạch Gốc:
Ba khía là loài giáp sát, nhỏ hơn và có hình dáng như con cua nhưng lớn hơn con còng. Ở Cà Mau, ba khía vùng Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển nhờ ăn nhiều trái mắm đen chín rụng mà luôn đầy gạch, chắc thịt và thơm ngon hơn ba khía ở những vùng khác trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng Đất Cà Mau. Ba khía có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như nướng, luộc, rang me, rang muối, hấp bia, chiên giòn, xào rau răm, xào sa tế, chiên nước mắm… Nhưng đặc trưng nhất, ngon nhất phải kể đến ba khía muối, hay còn gọi là mắm ba khía.
Để muối cho ba khía vẫn giữ được màu sắc như khi còn sống, thịt vẫn chắc, mặn dịu, ăn ngon thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật của người làm nghề. Khi ăn, vớt ba khía ra, rửa sơ bằng nước ấm, tách mai, bẻ đôi thân ba khía, đập dập sơ hai càng, rồi trộn chung với tỏi, ớt, chanh, đường, thêm khóm băm nhỏ, xoài hoặc khế xắt sợi, hay cóc xanh, chuối chát, để thấm vài giờ trước khi ăn. Còn cái mai của ba khía thì bỏ cơm nóng vào, trộn đều với gạch son, ăn rất đặc biệt.
Mắm ba khía muối đúng quy cách sẽ giữ được nhiều tháng không hư. Phần nước muối sau khi bảo quản ba khía có thể dùng nấu nước mắm rất ngon. Nếu đã một lần thưởng thức mắm ba khía đúng vị Rạch Gốc, thực khách sẽ không thể quên hương vị biển, rừng ngập mặn riêng có nơi vùng đất mũi Cà Mau.
19. Rắn ri:
Rắn ri tượng hay còn gọi là rắn ri voi, sống trong môi trường nước ngọt và có nhiều trên vùng đất rừng U Minh Hạ. Rắn ri tượng có giá trị kinh tế cao, có thể chế biến nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng và là một đặc sản của đồng đất Cà Mau. Tại nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Cà Mau và các huyện trong tỉnh phần lớn đều có phục vụ thực khách đặc sản rắn ri tượng, với việc chế biến nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như hầm sả với nước dừa tươi, nấu cháo xé phay, xào lăn…
20. Lươn Cà Mau:
Lươn chỉ có ở vùng nước ngọt, tập trung vào vùng U Minh Hạ; trong đó, bao gồm các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh. Từ bao đời nay, hình ảnh những chiếc xuồng chở đầy trúm len lỏi trên các dòng kênh, con rạch và những cánh đồng đầy cỏ dại đã trở nên quen thuộc với cư dân sống dưới tán rừng tràm U Minh Hạ. Các món chế biến từ thịt lươn dường như không còn quá xa lạ trong ẩm thực Việt Nam các vùng miền nói chung. Song món lươn của Cà Mau lại sở hữu một vị ngon riêng, nét hấp dẫn riêng và sức hút riêng, khiến bất kỳ ai cũng khó lòng cưỡng lại được.
21. Bánh tầm gà cay:
Nhắc đến bánh tầm, có bánh tầm xíu mại, bánh tầm bì. Tuy nhiên, bánh tầm gà cay Cà Mau lại được nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng vì nó có hương vị đặc trưng riêng mà nhiều người ăn hoài vẫn không thấy ngán. Để có món bánh tầm gà cay, người Cà Mau kết hợp bánh tầm với món cà ri gà cay. Cái dai dai của miếng thịt gà kết hợp với sợi bánh tầm cùng vị cay của nước cà ri và giá, rau thơm đã tạo nên món cà ri gà cay đặc trưng của vùng đất Cà Mau.
22. Bún nước lèo:
Ở nhiều địa phương khu vực Miền Tây Nam Bộ đều có món bún nước lèo nhưng với khách sành ăn, bún nước lèo Cà Mau mới đúng chuẩn đặc trưng vùng sông nước. Bún nước lèo cũng được nấu tương tự như lẩu mắm nhưng vị loãng hơn. Bún nước lèo thoang thoảng hương vị mùi mắm đồng hòa quyện cùng vị ngọt thơm của tôm đất, của bì khiến tô bún nước lèo trở thành món ăn khó quên và làm xiêu lòng biết bao thực khách .
23. Mắm tép Cà Mau:
Mắm tép (hay còn gọi là mắm tôm) là một trong những loại đặc sản và là món ăn gần như có mặt ở hầu khắp gia đình của người dân ở Cà Mau. Với màu đỏ tươi rói của tép trộn thêm một ít đu đủ giòn rụm, một chút cay cay của ớt và gừng, cộng thêm vị chua nhè nhẹ tạo thành một hương vị hết sức đặc trưng của mắm tép Cà Mau. Món mắm tép có thể dùng ăn kèm với thịt luộc, làm gỏi đu đủ, chấm cá lóc nướng trui hoặc luộc cơm mẻ, có thể ăn với cơm hay bún đều rất ngon.
Mắm tép và dưa Bồn Bồn Cà Mau
24. Dưa bồn bồn:
Dưa bồn bồn một sản phẩm đặc thù, một món ăn dân dã, mang hương vị của đồng quê. Từ lâu, dưa bồn bồn đã làm nên “Thương hiệu” của vùng đất Cà Mau và không lẫn vào các loại dưa khác.
Người dân thu hoạch bồn bồn
Từ dưa bồn bồn, người ta có thể chế biến được nhiều món ăn ngon miệng khác như dưa bồn bồn xào tép, xào vọp, dưa bồn bồn chấm ba khía, thịt kho tàu hay cá rô kho tộ…Nếu trước đây bồn bồn chỉ là món ăn dân dã của người nghèo, sống ở vùng nông thôn thì ngày nay dưa bồn bồn trở thành món ăn cao cấp tại các nhà hàng, quán ăn của giới thượng lưu. Nhờ đó, dưa bồn bồn đã nổi tiếng và trở thành đặc sản của Cà Mau. Riêng dưa bồn bồn xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, năm 2014 được đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm đặc thù.
24. Đọt choại:
Đọt choại là một loại rau rừng mọc nhiều nơi ở Nam bộ, nhưng tập trung nhiều nhất ở Cà Mau. Choại là họ dây leo, sống trong bưng, trũng, mọc trên cả những vùng đất nhiễm phèn, bám đầy trên những thân cây tràm. Thân choại xanh um, đọt ra non mơn mởn, cuộn tròn nhìn rất đẹp mắt. Xưa kia, đọt choại là món ăn của người nghèo, là loại rau rừng chỉ quanh quẩn trong các bếp nghèo. Bây giờ thì loại rau này đã trở thành món ăn thời thượng, một loại rau sinh thái, rau sạch hoàn toàn không nhiễm hóa chất .
Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món đọt choại làm món gì cũng ngon, vừa thơm thơm, giòn giòn. Đọt choại xanh mướt, hơi nhơn nhớt như đậu bắp hoặc rau đay, giàu dinh dưỡng, có tính hàn nên ăn rất mát. Nhúng rau vào nồi lẩu sôi sùng sục, vớt ra ăn ngay thì thật giòn thơm, có vị ngọt hậu, quả là một loại rau độc nhất vô nhị xứ này.
Và còn vô số món ngon hấp dẫn khác, du khách hãy đến đây để tự mình khám phá. Đối với khách du lịch trên mọi miền đất nước, văn hóa ẩm thực Cà Mau đã trở thành thương hiệu chiếm được lòng tin bởi sự uy tín và chất lượng. Đi du lịch Cà Mau thưởng thức các món ăn ngon cũng là một trong những loại hình du lịch văn hóa độc đáo, trải nghiệm thú vị.
Tại Tp. Cần Thơ và các tỉnh khu vực ĐBSCL, các bạn chọn học nghề nấu ăn có thể tìm hiểu chương trình học chi tiết tại Trường Đào tạo nghề Western với 100% thời gian tập trung vào thực hành và rèn luyện kỹ năng. Trong quá trình học, Nhà Trường sẽ bố trí việc làm tại các nhà hàng, khách sạn để học viên vừa học tập vừa có cơ hội cọ xát thực tế, tích lũy thu nhập và kinh nghiệm làm việc. Trường Đào tạo nghề Western cũng là trường được đánh giá tốt nhất về tay nghề và giá trị thực học của học viên khi làm việc. Trường Đào tạo nghề Western (Số 140, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phuờng Tân An, Quận Ninh Kiều Tp.Cần Thơ, Hotline: 1900.56.1267 – 0938.209.866, Website: www.western.edu.vn, www.dayngheamthuc.vn).
Trường Đào tạo nghề Western (St)