Sáng ngày 22/11/2022, Liên Chi Hội đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL trực thuộc Hiệp Hội du lịch ĐBSCL chính thức tổ chức Lễ hội công diễn và xác lập kỷ lục “Món ngon 13 tỉnh/thành ĐBSCL nhiều nhất Việt Nam” năm 2022 tại Nhà hàng – Khách sạn Ninh Kiều Riverside Tp. Cần Thơ góp phần tạo ra một sân chơi rộng lớn dành cho lực lượng Đầu bếp chuyên nghiệp, nghệ nhân ẩm thực trên khắp 13 tỉnh/thành khu vực ĐBSCL, lễ hội do nhãn hàng Maggi và Trường Đào tạo ẩm thực Western cùng đồng hành, Nhà hàng – Khách sạn Ninh Kiều Riverside đăng cai.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu ở Đông Nam Á, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. ĐBSCL cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. ĐBSCL có vị trí như một bán đảo với 3 mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển (có đường bờ biển dài 700km), phía Tây có đường biên giới giáp với Campuchia và phía Bắc giáp với vùng kinh tế Đông Nam Bộ (Vùng kinh tế lớn nhất của Việt Nam hiện nay). ĐBSCL nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố rất dày thuận lợi cho giao thông đường thủy vào bậc nhất ở nước ta. ĐBSCL có 13 đơn vị hành chính bao gồm: 1 thành phố trực thuộc Trung ương (Thành phố Cần Thơ) và 12 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).
Văn hóa ẩm thực ĐBSCL là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý, khí hậu, môi trường… nên ẩm thực ĐBSCL cũng có một số khác biệt và mang tính đặc trưng “Ẩm thực miền sông nước”, bất cứ ai một lần thưởng thức đều khó quên. Nhưng để cảm nhận thật sâu hương vị của đất trời, tình người của mảnh đất này trong mỗi món ăn thì cần sự dẫn lối của các nghệ nhân ẩm thực, đầu bếp chuyên nghiệp để tạo nên sự phong phú, nét đặc trưng trong văn hóa ăn uống với những món ăn ngon đặc hữu mang đậm tình người.
Nhằm mục đích xác lập bản quyền món ăn, nâng cao uy tín, vị thế của 13 tỉnh/thành ĐBSCL, đẩy mạnh công tác quảng bá ẩm thực và đặc sản đặc trưng ĐBSCL đến du khách trong nước và quốc tế, khai thác thế mạnh văn hóa ẩm thực của địa phương, từng bước gắn kết phát triển giữa ẩm thực và du lịch, tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến ĐBSCL.
Khách mời, nghệ nhân ẩm thực, đầu bếp chuyên nghiệp có tay nghề, có uy tín đại diện cho 13 tỉnh/thành ĐBSCL đến tham dự Lễ hội công diễn và xác lập kỷ lục “Món ngon 13 tỉnh/thành ĐBSCL nhiều nhất Việt Nam” năm 2022
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực HHDL ĐBSCL phát biểu chỉ đạo tại Lễ hội
Ông Nguyễn Lộc, Chủ tịch Liên chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL thông qua thể lệ công nhận món ngon đặc trưng của 13 tỉnh/thành ĐBSCL
Sau lễ khai mạc, các đội đầu bếp tiến hành sơ chế nguyên liệu và bắt đầu chế biến
Hội đồng Ban Giám khảo tiến hành chấm điểm công nhận món ngon đặc trưng của 13 tỉnh/thành ĐBSCL
Sau gần 2 giờ biểu diễn của anh/chị là nghệ nhân ẩm thực, đầu bếp chuyên nghiệp, lễ hội công diễn và xác lập kỷ lục “Món ngon 13 tỉnh/thành ĐBSCL nhiều nhất Việt Nam” đã thành công tốt đẹp, Hội đồng Ban Giám Khảo (Gồm những nghệ nhân nổi tiếng đến từ Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam) chính thức công nhận “130 món ngon đặc trưng của 13 tỉnh/thành ĐBSCL”.
Ông Lý Sanh, Phó Trưởng Ban nghệ nhân Văn hóa ẩm thực Việt Nam báo cáo tổng kết hoạt động tại Lễ hội và thông qua quyết định công nhận 130 món ngon đặc trưng của 13 tỉnh/thành ĐBSCL
Nhiều món ăn độc đáo “vừa lạ vừa quen” xuất hiện tại sự kiện, sử dụng các nguyên liệu đặc sản sẵn có ở miền sông nước như: Tôm trong ao hồ (Western Ninh Kiều), mực trứng Phú Quốc nhồi nhum biển sốt mè gạo lứt (Hội đầu bếp chuyên nghiệp Phú Quốc), tôm càng sốt sầu riêng Tân Thới (Nhà hàng Ninh Kiều Riverside), Cá lóc bay Tây Đô (Nhà hàng Tây Đô)
Các món ăn cho thấy sự phong phú của nguyên liệu ẩm thực vùng ĐBSCL cùng sự sáng tạo trong cách chế biến, bài trí của các đội đầu bếp tham gia
Các món ăn sẽ được đánh số thứ tự theo combo thực đơn của từng Tỉnh và trưng bày trên bàn mô phỏng bản đồ 13 tỉnh/thành
Ban tổ chức đã khéo léo thiết kế khu trưng bày món ăn có lối đi ở giữa tương thích với dòng sông Hậu chảy dọc theo các tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long
Hội đồng Ban Giám khảo trao chứng nhận công nhận món ngon đặc trưng của 13 tỉnh/thành ĐBSCL cho các đội tham gia Lễ hội
Trong đó, ngoài những món nổi tiếng được nhiều người biết đến như: Sỏi mầm, bánh củ cải Bạc Liêu, gỏi xứ dừa, gỏi sầu đâu, bún nước lèo Sóc Trăng, Lẩu bần Phù Sa, nem nướng Cần Thơ, Hủ tiếu Mỹ Tho, canh xiêm lo…, tại lễ hội lần này đã xuất hiện các món mới mang hương vị đặc trưng của địa phương như: Tôm càng sốt sầu riêng Tân Thới (Nhà hàng Ninh Kiều Riverside), Cá lóc bay Tây Đô (Nhà hàng Tây Đô), Tôm trong ao hồ (Western Ninh Kiều), Mực trứng Phú Quốc nhồi nhum biển sốt mè gạo lứt (Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Phú Quốc), Ức vịt cuộn bồn bồn sốt cà ri (Nhà hàng ẩm thực Đệ Nhất Bạc Liêu), Chả giò cá lóc (Ẩm thực Làng Việt Long An), Gà mẹt (Trại rắn Đồng Tâm – Tiền Giang), Lẩu cua Thứ Thiệt (Nhà hàng cua Thứ Thiệt Cà Mau), Vịt xiêm nấu ấu và hạt sen (Khu du lịch Văn hóa Phương Nam Đồng Tháp),… Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã chính thức công nhận kỷ lục Việt Nam với nội dung “Sự kiện chế biến, công diễn món ngon 13 tỉnh/thành ĐBSCL có số lượng nhiều nhất Việt Nam”.
Đại diện Ban thẩm định Kỷ lục của VietKings thực hiện kiểm đếm số lượng món ăn tại sự kiện
Ông Dương Duy Lâm Viên Tổng thư ký TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam đại diện VietKings công bố Quyết định xác lập Kỷ lục đến đơn vị
Đại diện Lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng Kỷ lục đến ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và ông Nguyễn Lộc, Chủ tịch Liên Chi Hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL – hai đại diện Lãnh đạo đơn vị
Lãnh đạo Hiệp hội du lịch ĐBSCL tặng hoa tri ân cho Hội đồng Ban giám khảo
Lãnh đạo Hiệp hội du lịch ĐBSCL tặng hoa tri ân và thư cảm ơn cho các đơn vị đồng hành
Hy vọng rằng, sau khi các món ngon 13 tỉnh/thành ĐBSCL được xác lập kỷ lục Việt Nam, nền ẩm thực 13 tỉnh/thành ĐBSCL sẽ chính thức khẳng định được chủ quyền, có tên trên bản đồ ẩm thực Việt Nam và ẩm thực thế giới. Từ đó tạo nên những bước đột phá mới cho ẩm thực ĐBSCL nói riêng và ẩm thực cả nước nói chung. Đây cũng chính là điều kỳ vọng lớn gắn với mục tiêu phát triển du lịch của khu vực ĐBSCL, khơi dậy niềm sáng tạo trong ẩm thực du lịch tạo nên tiếng vang có giá trị thu hút khách du lịch một cách độc đáo.
LIÊN CHI HỘI ĐẦU BẾP CHUYÊN NGHIỆP ĐBSCL