Liên Chi hội Ðầu bếp chuyên nghiệp ÐBSCL (trực thuộc Hiệp hội Du lịch ÐBSCL) vừa xác lập Kỷ lục Việt Nam “Sự kiện chế biến, công diễn món ngon 13 tỉnh, thành ÐBSCL có số lượng nhiều nhất Việt Nam”. Không chỉ tôn vinh ẩm thực, kỷ lục này còn cho thấy sự đa dạng, phong phú trong văn hóa, đặc trưng địa phương.
Trưng bày 130 món ăn trên mô hình bản đồ ĐBSCL, tương ứng món ăn địa phương nào sẽ được đặt đúng vị trí địa phương đó trên mô hình bản đồ ĐBSCL
13 tỉnh, thành phố khu vực ÐBSCL đều có đơn vị tham gia công diễn và xác lập kỷ lục. Các đại diện địa phương chú trọng mang đến những món ngon, đặc sản của quê hương để giới thiệu và cùng góp mặt trên bữa tiệc bản đồ ẩm thực miền Tây. Là đơn vị chủ nhà, các nghệ nhân TP Cần Thơ đã trình diễn chế biến 29 món, đều là những “món ngon mùi nhớ” như ốc bươu nướng tiêu xanh, gà um dâu Hạ Châu (vừa được vào tốp 100 món ăn đặc sản Việt Nam), lẩu bần Phù Sa, cá lóc bay Tây Ðô, lươn um bí đỏ nướng, nem nướng Cần Thơ…
Tương tự, Hậu Giang giới thiệu các món ăn từ đặc sản khóm Cầu Ðúc và cá thát lát; Ðồng Tháp là sự kết hợp của hai nguyên liệu đặc trưng là sen và củ ấu; Bến Tre với món ngon từ dừa; An Giang với đặc sản mắm… Tất cả làm nên bữa tiệc nhiều màu sắc, đậm đà hương vị và chứa đựng những câu chuyện văn hóa phong phú.
Ông Nguyễn Lộc, Chủ tịch Liên Chi hội Ðầu bếp chuyên nghiệp ÐBSCL, cho biết: Tài nguyên văn hóa, ẩm thực ÐBSCL rất đa dạng, phong phú, mỗi tỉnh, thành phố đều có bản sắc riêng. Vì vậy, việc công diễn và xác lập kỷ lục chính là cách để giới thiệu và tôn vinh bản sắc ấy, từ đó góp phần phát triển du lịch của từng địa phương. Ông Lộc cho rằng, khi đến mỗi vùng đất, ngoài khám phá điểm đến, di tích… thì món ngon là trải nghiệm thú vị. Qua sự kiện xác lập kỷ lục này, Ban Tổ chức mong rằng các địa phương sẽ có định hướng khai thác và quảng bá tốt hơn nữa tiềm năng ẩm thực.
Ban Tổ chức cũng nhận định: Ngoài những món ăn nổi tiếng, được nhiều người biết đến, sự kiện xác lập Kỷ lục Việt Nam lần này cũng xuất hiện nhiều món ngon mới mang hương vị đặc trưng, theo kiểu “cổ kim hòa điệu”. Ví dụ như món tôm càng sốt sầu riêng Tân Thới của Cần Thơ hay mực trứng Phú Quốc nhồi nhum biển sốt mè gạo lứt của Hội Ðầu bếp chuyên nghiệp Phú Quốc, chả giò cá lóc của Long An…
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tháng 7-2022, tỉnh Hậu Giang cũng đã tổ chức công diễn và xác lập Kỷ lục Việt Nam 200 món ăn từ khóm và cá thát lát. Tham gia sự kiện lần này, Hậu Giang muốn tiếp tục lan tỏa ẩm thực Hậu Giang, tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn khách tham quan. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Cẩm đến từ Cà Mau thì hào hứng: “Ðặc sản Cà Mau có cua, ba khía, cá thòi lòi, cá nâu, ốc len, vọp… chúng tôi đã cho góp mặt trong bữa tiệc này. Chế biến món ăn từ hương vị quê hương luôn mang đến cho người đầu bếp nhiều cảm hứng”.
Rõ ràng là vậy, món ngon không chỉ no lòng, mà còn là một câu chuyện về văn hóa đầy thú vị.
Bài, ảnh: DUY KHÔI (Báo Cần Thơ)