1900 561 267

Các món ngon đặc sản An Giang không hể bỏ qua
16/09/2021
Đặc sản Kiên Giang với những món ăn đa dạng mà ngon “bất hủ”
16/09/2021

Các món ngon đặc sản Sóc Trăng nhất định phải thử

Sóc Trăng là nơi sinh sống và giao thoa về văn hóa của các dân tộc Kinh – Hoa – Khmer qua nhiều thế kỷ, chính điều đó đã mang đến cho Sóc Trăng những nét đặc sắc riêng biệt trong văn hóa ẩm thực. Ai đã một lần du lịch Sóc Trăng, chắc chắn sẽ không quên được dư vị của những món ăn dân dã nhưng khó tìm này. Xin giới thiệu đến du khách những món ăn ngon, đặc sản Sóc Trăng nhất định phải thử.

1. Bún nước lèo:

Bún nước lèo là món ăn nổi tiếng ở Sóc Trăng nhờ sự kết hợp trong cách dùng nguyên liệu khiến hương vị không giống bất kỳ miền đất nào. Người ta gọi bún nước lèo Sóc Trăng là món ăn đoàn kết, bởi món ăn là sự kết hợp tinh hoa của dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, thể hiện ở mỗi thành phần món ăn là đặc trưng của 3 dân tộc.

Bún nước lèo

Trong tô bún nước lèo, người ta thấy hương vị mắm của người Khmer (theo đúng truyền thống là mắm prô hốc), thịt heo quay của người Hoa và bún, cá, rau… của người Kinh. Từng món riêng lẻ đã là đặc sản, lại được người Sóc Trăng kết hợp với nhau một cách hài hòa và tinh tế để tạo thành món bún nước lèo vô cùng độc đáo. Hiện nay, trên địa bàn TP. Sóc Trăng, nhiều tuyến đường, con phố có nhiều hàng quán bán bún nước lèo.

2. Bún gỏi già:

Ai lần đầu nghe thấy tên bún gỏi già sẽ thấy rất lạ tai nhưng thực chất đây là món ăn dân dã phiên bản nước của món gỏi truyền thống. Điểm độc đáo của món này là nước súp được chế biến rất đặc biệt. Người ta ninh từ xương heo rồi nêm me chua, tương hạt nên nước có vị ngọt ngọt, thơm thơm. 

Bún gỏi già

Tô bún ngon mắt với con tôm đỏ au, thịt ba chỉ không ngấy, giá đỗ, sườn non, đậu phộng rang và chút nước tương phía trên, cùng nước dùng xâm xấp, kết hợp với nhiều món rau, khiến người ăn không ngán. Miếng bún dai mềm kết hợp với các thành phần khác, hòa chung vị ngọt thanh của nước dùng, khó ai có thể bỏ qua với món ăn này.

3. Bún vịt nấu tiêu:

Lang thang ở thành phố Sóc Trăng, khách phương xa dễ dàng nhận thấy khá nhiều quán bày bán món bún vịt nấu tiêu trên các trục đường lớn, nhất là khu vực gần chợ. Người dân Sóc Trăng thường ăn món này vào buổi sáng cho nóng.

Bún vịt nấu tiêu

Bún vịt nấu tiêu thoạt nhìn giống mì vịt tiềm nhưng đặc biệt hơn là món này được nấu từ hột tiêu, xương và nước dừa tươi. Bún thường được ăn kèm nhiều loại rau sống như giá, rau muống bào, bắp chuối bào, rau quế… Ăn bún vịt nấu tiêu phải vắt tí chanh, kèm chén nước mắm có mấy lát hành tím bào mỏng còn sống và bỏ ít ớt băm ngâm dấm mới ngon. Khi ăn, thực khách có cảm giác trơn trơn của bún, sực sực của rau và sự mềm mại của thịt vịt, đặc biệt là vị ngọt đậm đà của nước lèo không chê vào đâu được, chinh phục cả những người khó tính. Do có vị cay cay của tiêu, nên khi trời nóng, ai húp nước lèo này sẽ toát cả mồ hôi, người khỏe hẳn ra, còn thời điểm gần tết, khi trời se lạnh, ăn bún vịt nấu tiêu để ấm người. Bún vịt nấu tiêu được bán nhiều trên các vỉa hè ở những con đường, tuyến phố thuộc thành phố Sóc Trăng như: đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Cừ, một số quán trên tuyến đường Lê Hồng Phong và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh,… 

4. Hủ tiếu cà ri:

Hủ tiếu cà ri là món ăn đặc trưng của người dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Sợi hủ tiếu nhỏ, có độ dai vừa phải. Hủ tiếu nơi đây được biến tấu qua việc sử dụng thịt vịt xiêm thay cho thịt heo hay thịt gà. Nước cà ri ở đây có mùi thơm dịu chứ không nồng như những nơi khác, ăn vào có vị thơm, không quá béo, mọi gia vị đều được người bán nêm nếm vừa phải nên ăn đậm đà mà không ngán. Có lẽ chính sự sáng tạo, khéo léo trong chế biến mà người dân đã có được món ăn ngon.

Hủ tiếu cà ri

5. Cháo cá lóc rau đắng: 

Một món ăn bình dị mà nổi tiếng của Sóc Trăng, đó là món cháo cá lóc với rau đắng. Một tô cháo cá lóc đầy đủ gồm đa dạng nguyên liệu như cá lóc, tương hột, nấm rơm, gừng hành, mắm muối và rau đắng. Bạn nên cho rau đắng, giá sống vào tô cháo, một ít gừng non xắt nhuyễn rồi trộn đều, rắc ít tiêu vào. Húp vài muỗng cháo nóng hổi, gắp miếng cá lóc chấm nước mắm ớt thơm phức, dư vị nồng trên đầu lưỡi. Địa chỉ tham khảo bán món cháo cá ngon ở Sóc Trăng. 

Cháo cá lóc rau đắng

6. Bò nướng ngói:

Bò nướng ngói (nướng xẻng) được xem là một đặc sản của Sóc Trăng, bò được nướng trên miếng ngói làm bằng kim loại như cái xẻng trắng sáng. Muốn thưởng thức món bò nướng ngói trứ danh phải đến Mỹ Xuyên để thưởng thức. Thịt bò nướng trên ngói không làm mất đi hương vị mà còn chín đều, không bị cháy sém, thịt mềm, ngọt không dai và dính.

Bò nướng ngói

Gắp bò ra, cuộn vào bánh tráng đã lót sẵn rau sống, khế, chuối chát, dưa leo, khóm và bún. Chấm vào chén mắm, cắn một miếng, đầu tiên bạn sẽ xuýt xoa vì thịt vẫn còn nóng và mắm nêm cay nồng, để rồi sau đó cảm nhận vị ngọt của thịt hòa cùng vị tươi của các loại rau dưa và vị đậm đà của mắm nêm lan tỏa trong miệng.

7. Bánh cống:

Đến Sóc Trăng mà chưa thưởng thức bánh cống thì quả là còn thiếu sót cho chuyến đi. Mà muốn ăn bánh cống đúng điệu phải ăn tại khu vực chợ thuộc xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) và phải ăn kèm các loại rau sẵn có của vùng, chấm với nước mắm chua ngọt được pha chế với bí quyết riêng thì mới cảm nhận hết cái tinh túy của bánh. Bánh cống có độ giòn – xốp vừa phải, mùi rất thơm, có màu vàng ươm.

Bánh cống

Tên gọi của bánh được bắt nguồn từ hình dáng chiếc cóng, một dụng cụ bằng kim loại không rỉ, hình nón cụt, miệng loe, có cán cầm để chiên. Thành phần bột của nó gồm bột gạo, bột đậu nành và trứng. Nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp. Trên mỗi cái bánh cóng đều có tép bạc chín vàng bắt mắt. Chiếc bánh vừa chín đến có màu vàng đậm thật hấp dẫn, cắn một cái đã thấy vị beo béo của mỡ, vị ngọt bùi bùi của đậu xanh, đậu nành quyện với củ sắn non, thịt heo băm nhuyễn thoảng thoang mùi tiêu xay… đã làm nên hương vị độc đáo của bánh cống Sóc Trăng.

8. Bánh pía Sóc Trăng:

Bánh có mùi sầu riêng đặc trưng, từng lớp bánh mỏng bao bọc lấy phần nhân đậu xanh ngọt, dẻo. Khi cho miếng bánh pía vào miệng lập tức cảm nhận ngay hương vị rất đặc trưng với nhân sầu riêng, vị béo của trứng muối kết hợp cùng đậu xanh, tất cả hòa quyện tan chảy từ từ trong miệng. Bên ngoài là những lớp da mỏng được xếp chồng lên nhau và có thể lột ra từng miếng nên còn được gọi là bánh lột da. Bánh ngon là loại bánh có vỏ mềm. Với hình dáng tròn, dẹp, nhỏ nhắn được bao bọc bên trong sắc vàng, đỏ, biểu tượng cho sự may mắn và viên mãn, phồn thực nên khi kết thúc chuyến du lịch Sóc Trăng, khách phương xa thường chọn bánh pía để làm quà biếu. Ngoài hương sầu riêng, bánh còn có nhiều hương vị như khoai môn, hạt sen… và nhiều loại nhân khác nhau.

Bánh pía Sóc Trăng

9. Bánh ống:

Chỉ từ những nguyên liệu đơn giản từ bột gạo, cơm dừa, đường, lá dứa nhưng được người dân Khơ-me sáng tạo tài tình, cho ra đời chiếc bánh ống xinh xắn, thơm lừng mùi dừa và lá dứa. Bánh ngọt vừa phải, có độ dẻo mềm nên ăn nhiều cũng không thấy ngán. Đây là món ăn chơi thú vị vào các buổi chợ sáng và các buổi xế chiều có giá bình dân.

Bánh ống

10. Bánh in:

Bánh in có hình tròn màu trắng, bánh được dùng nhiều nhất vào dịp rằm tháng 8 và Lễ hội Ooc – Om – Boc hàng năm tại Sóc Trăng, để cúng tạ ơn Mặt Trăng đã ban cho con người sức mạnh, mùa màng tươi tốt. Bánh được làm từ nguyên liệu chính:gạo nếp, đường cát,nước cốt dừa. Mùi thơm của nếp mới, vị béo của nước cốt dừa hòa lẫn với vị ngọt của đường, khi thưởng thức cùng với ly trà nóng thì còn gì bằng.

Bánh in

11. Mè láo:

Bánh có tên mè láo vì bên ngoài phủ kín mè rang chín rất hấp dẫn nhưng bên trong chỉ toàn bột xốp trắng phơ như kiểu làm láo. Đặc biệt, bánh được làm từ khoai môn nghiền nhuyễn, cán mỏng, sau đó phơi nắng khoảng 3 ngày rồi mới được lăn qua bột nếp, chiên trong chảo dầu sôi, tạo nên lớp ruột tơi xốp, giòn tan có hương vị ngon miệng.

Mè láo

12. Bánh gừng:

Bánh gừng là loại bánh truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ, được làm vào dịp lễ tết cổ truyền của đồng bào Khmer như: Tết Chol – Chnam – Thmay, lễ Dolta,… hay đám hỏi, đám cưới. Bánh được trưng trên bàn thờ tổ tiên, với ý nghĩa nhớ đến sự cực khổ của ông bà ngày xưa đã làm ra hạt lúa, hạt nếp cho con cháu ngày nay.

Bánh gừng

Bánh gừng được làm từ bột gạo nếp, trứng gà, bột năng và nước chanh tươi nhào đều, sau đó nặn thành hình giống như củ gừng, cho vào chiên vàng. Đặc biệt hơn là bánh sau khi chiên sẽ được nhúng ngay vào chảo đường sền sệt làm thành lớp áo ngọt lịm. Bên trong bánh béo ngậy, thơm lừng.

13. Bánh dứa (bánh rây):

Bánh dứa là một trong những món bánh truyền thống của người Khmer. Bánh có lớp vỏ ngoài bằng gạo xay rang thơm phức và phần nhân dừa kết hợp đậu phộng thơm bùi đầy hấp dẫn.

Bánh dứa

14. Bánh xèo:

Bánh xèo – cái tên rất mộc mạc, gần gũi xuất phát từ việc tráng bánh vào chảo tạo nên tiếng “xèo”, là loại bánh dân gian, mang đậm đặc trưng ẩm thực của người dân Nam bộ. Một thứ không thể thiếu góp phần tạo nên sự hấp dẫn khi dùng bánh xèo là nước chấm chua ngọt, chế biến từ đường, chanh, ớt, tỏi và củ cải đỏ thái sợi, được pha chế thật vừa ăn. Điểm đặc biệt khi ăn bánh xèo là thực khách phải trực tiếp dùng tay, cuốn miếng bánh vàng ươm, giòn rụm còn nghi ngút khói với các loại rau như: Cải xanh, salách, rau thơm, đọt cóc, lá cách, lá lụa, lá tra, …chấm với nước mắm và thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngon đậm đà mà dân dã của món bánh này.

Bánh xèo

15. Khô trâu Thạnh Trị:

Ở Sóc Trăng ngoài cá thịt tươi sống bà con còn chế biến ra nhiều món ngon vật lạ như khô cá, khô lươn, khô rắn, khô bò… và còn có cả khô trâu. Ai đã từng đến thăm Thạnh Trị – Sóc Trăng , sẽ là rất tiếc nếu chưa thưởng thức món ăn đặc sản của vùng này. Đó là khô thịt trâu. Khô trâu Thạnh Trị được chế biến theo kiểu cổ truyền, thịt trâu bắp được lát thành những miếng mỏng lớn hơn bàn tay, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm xả bằm, muối, tỏi, ớt,… khoảng nửa ngày cho ngấm. Sau đó đem phơi nắng hoặc sấy trong lò. Khô thành phẩm sẽ là những miếng khô thật mỏng, thơm lừng vị xả và mùi thịt trâu đặc trưng. Thường thì chế biến khoảng hơn 4kg thịt tươi mới có được 1 kg thịt khô.

Khô trâu Thạnh Trị

Để thưởng thức khô trâu cũng có rất nhiều cách, nhưng ngon nhất vẫn là nướng. Trước tiên, ngâm khô vào trong nước lạnh khoảng 5 phút, sau đó thì đem nướng, đặc biệt sẽ ngon hơn nếu được nướng trên bếp than đước. Khi khô chín đều ở cả hai mặt và lên hương thơm lừng, thì dằn cho miếng khô mềm và tơi ra. Tiếp theo là nước chấm, phần không thể thiếu đối với món khô trâu này, me chín được dằm với nước sôi để nguội, cho nhựa me ra hết, sau đó cho đường, muối, nước mắm, sả, ớt trộn đều, tạo thành 1 thứ nước chấm sền sệt, chua chua ngòn ngọt. Khô trâu mà chấm với nước mắm me là hết ý.

16. Xá bấu Vĩnh Châu:

Xá bấu hay còn gọi là củ cải muối ở huyện Vĩnh Châu – Sóc Trăng vốn là món ăn truyền thống của người Hoa. Nhưng có lẽ, thời gian dài cộng cư, nét văn hóa ẩm thực này đang chiếm dần tình cảm của cả người Khmer và người Kinh. Cách chế biến xá bấu ngọt cũng đơn giản. Người dân lựa củ cải trắng tròn dài đều, đem cắt độ 8 phân rổi chẻ mỏng đều lại theo sợi dài, ướp muối, phơi độ 2 – 3 nắng là vừa. Sau đó, đem trộn với đường cát, theo tỷ lệ thích hợp, ủ lại vài ngày cho đường ngấm vào từng sợi xá pấu. Ngoài ra, để tăng thêm hương vị của xá pấu ngọt, người dân còn có thể ướp thêm một số loại như củ gừng, củ riềng, giấm, tỏi, ớt hoặc xì dầu ngon,… Xá pấu ngọt là món ăn rất quen thuộc và được thực khách dùng kèm với cháo trắng, khi ăn cảm giác giòn, mặn ngọt vừa phải, hơi cay nồng thơm muồi củ cải trắng… làm cho người thưởng thức cảm giác rất ngon.

Xá bấu Vĩnh Châu

17. Mì sụa:

Mì sụa là món ăn truyền thống của cộng đồng người Hoa tại Sóc Trăng. Mì sụa được chế biến bằng nguyên liệu chính là đậu nành, nên cọng mì có màu vàng óng, thường to hơn so với các loại mì khác. Mì sụa có hai loại: Loại mặn và loại không mặn. Mỗi loại chế biến thành các món ăn khác nhau như mì sụa mặn (ngon nhất khi xào), còn mì sụa ngọt dùng để nấu chè. Khi ăn mì sụa xào, quý khách sẽ cảm nhận được vị dai, giòn của mì hòa cùng với vị béo, ngọt của thịt. Tô mì xào thường được ăn kèm với bát nước dùng cho đỡ ngấy. Nước dùng có thể được hầm với thịt giò heo cùng với hương thơm từ lá ngò, hành lá, hành phi, tiêu xay…khiến người ăn cảm thấy ngọt miệng và sảng khoái hơn khi húp từng muỗng. Còn mì sụa không mặn, thường được nấu chè với trứng gà luộc có vị ngọt rất lạ miệng, được dùng trong những bữa tiệc, mừng sinh nhật. Với hàm ý, màu đỏ của lòng đỏ trứng gà là lời chúc cho cuộc sống thêm may mắn, trọn vẹn. 

Mì sụa

18. Canh chua cá bông lau vùng sông Hậu:

Từ lâu, các món chế biến từ cá bông lau – một trong những loài cá đặc sản vùng sông Hậu, đã tạo nên phong vị ẩm thực rất riêng tại các nhà hàng, quán ăn ở Sóc Trăng.Thịt cá bông lau trắng, thơm ngon, không tanh, lại lành nên được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Đặc biệt, cá bông lau nấu canh chua là một món thơm ngon giải nhiệt, bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng, nhất là trong những ngày nắng nóng. Để có cá bông lau tươi còn sống, quý khách có thể đến các quán ăn ở vàm Đại Ngãi hay các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề để thưởng thức món ăn ngon nhất.

Canh chua cá bông lau vùng sông Hậu

19. Cá bống sao:

Cá bống sao là món ăn đặc sản ở cù lao Dung – Sóc Trăng. Đây là món ăn dân dã hàng ngày, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người dân Nam Bộ. Cá bống sao có đốm xanh, da lấm tấm những chấm trắng li ti. Thịt cá bống sao màu đỏ, săn chắc rất ngon. Người ta thường dùng cá kho tiêu hoặc kho khô, địa phương gọi là “kho chồn”. Cá bống sao kho chồn ngon nhờ lá gan của nó lớn gần bằng bụng. Khi ăn, mùi thơm từ gia vị sẽ tỏa ra ngào ngạt, vị ngọt của thịt cá cùng với vị bùi bùi, ngăm ngăm đắng của gan cá tan chảy trong miệng, hòa lẫn vị cay cay của sả ớt làm cho món cơm thêm hấp dẫn mà ai đã từng ăn thì khó có thể quên được hương vị đặc trưng của món ăn này.

Các đặc sản Sóc Trăng là sự pha trộn tinh túy giữa các nguyên liệu tự nhiên và nền ẩm thực ba sắc tộc Nếu có dịp du lịch Sóc Trăng ngoài việc tham quan những điểm đến hấp dẫn, thì bạn đừng quên nếm thử những món ăn Sóc Trăng hấp dẫn này nhé.

Tại Tp. Cần Thơ và các tỉnh khu vực ĐBSCL, các  bạn chọn học nghề nấu ăn có thể tìm hiểu chương trình học chi tiết tại Trường Đào tạo nghề Western với 100% thời gian tập trung vào thực hành và rèn luyện kỹ năng. Trong quá trình học, Nhà Trường sẽ bố trí việc làm tại các nhà hàng, khách sạn để học viên vừa học tập vừa có cơ hội cọ xát thực tế, tích lũy thu nhập và kinh nghiệm làm việc. Trường Đào tạo nghề Western cũng là trường được đánh giá tốt nhất về tay nghề và giá trị thực học của học viên khi làm việc. Trường Đào tạo nghề Western (Số 140, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phuờng Tân An, Quận Ninh Kiều Tp.Cần Thơ, Hotline: 1900.56.1267 – 0938.209.866, Website: www.western.edu.vnwww.dayngheamthuc.vn).

Trường Đào tạo nghề Western (St)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời