1900 561 267

Top 10 đầu bếp nổi tiếng và thu nhập đáng mơ ước
04/08/2017
Đầu bếp Võ Hoàng Nhân: Từ “Cậu bé làm cá” đến danh hiệu Đầu bếp Đỉnh
04/08/2017

Đầu bếp Cẩm Thiên Long: Chàng trai bỏ học, rửa chén, nhặt rau thành bếp trưởng khách sạn 4 sao

Ít ai biết rằng để có thể đến với giấc mơ nâng tầm món Việt hiện tại, chàng trai trẻ Cẩm Thiên Long đã phải mất 7 năm để tìm ra điều mình muốn, ngay trên đất khách.

Từng xuất hiện trên Tin.vn với những tâm sự về mẹ sau chiến thắng ở chủ đề Đấng sinh thành trong chương trình Đầu bếp đỉnh – Top chef Vietnam trên kênh HTV7, Đầu bếp trẻ Cẩm Thiên Long (28 tuổi, Nha Trang, Tổng Bếp trưởng Merperle Hotel & Resort Nha Trang) được nhiều bạn trẻ vô cùng ngưỡng mộ về cả tài năng và tình cảm anh dành cho gia đình mình.

 

Đầu bếp Cẩm Thiên Long chụp cùng món Lẩu thả – món ăn giúp anh giành HCV Kỷ lục các món nước Việt Nam 2013

Bỏ học, theo nghề bếp khi mới 16 tuổi, thế nhưng chàng Đầu bếp trẻ Cẩm Thiên Long chia sẻ, anh chưa bao giờ hối hận vì quyết định này.

Bỏ học, bỏ nghề để được nhặt rau, rửa chén

Nghề bếp đến với chàng trai trẻ Cẩm Thiên Long rất tình cờ. Khi đang học lớp 11, anh xin vào làm phục vụ tại nhà hàng Miss Áo dài để tự trang trải việc học. Những ngày làm việc tại đây, chàng trai trẻ nung nấu mơ ước được khoác lên mình bộ trang phục sang trọng, tươm tất và được thắt caravat đi làm mỗi ngày. Ngoài công việc, những lúc rảnh rỗi Thiên Long còn thường xuyên trao đổi thông tin về món ăn với khách hàng và các nhân viên bếp. Dần dần, niềm yêu thích nghề bếp đã hình thành trong anh từ lúc nào không hay.

Bước ngoặt cuộc đời đến với anh khi bếp trưởng nhận thấy anh khá có tư chất, cộng với tinh thần ham học hỏi nên đã điều chuyển anh từ vị trí phục vụ sang làm phụ bếp. Và cũng như tất cả những đầu bếp khác, anh bắt đầu bằng việc trui rèn bản thân với những kĩ năng cơ bản, cần thiết như: dùng dao, nhặt rau, rửa chén… Được ở trong gian bếp mỗi ngày, nhìn các đàn anh “tung hứng” với những món ăn mỹ vị, đam mê ẩm thực trong anh cứ thế lớn dần theo năm tháng. Lớn đến nỗi chỉ sau nửa năm làm việc ở nhà hàng, chàng trai trẻ đưa ra một quyết định táo bạo: nghỉ học để theo đuổi nghề bếp.

Đương nhiên, Thiên Long không nhận được sự đồng ý của gia đình cho quyết định này. Thế nhưng, cuối cùng ba mẹ Long cũng phải “ngã ngũ” bởi sự thuyết phục cũng như quyết tâm của cậu con trai cả.

11 năm với 1 lần hối hận, 3 lần nản chí và hàng trăm lần tủi thân

Gia đình Long có 5 thành viên: ba mẹ, anh, một em trai và em gái. Kinh tế gia đình lúc thăng, lúc trầm nhưng bấp bênh nhất phải kể đến thời điểm anh lên 5. Vì vậy mà ngay từ khi còn rất trẻ Thiên Long đã ý thức được giá trị của đồng tiền, của lao động. Anh chia sẻ: “Trước mọi việc, tôi đều thận trọng”.

Với nghề bếp cũng thế, anh không nóng vội, hấp tấp. Bằng chứng là trước khi chính thức theo những khóa đào tạo bài bản, Long sẵn sàng dành thời gian tôi luyện mình bằng những kỹ năng, những quan sát nhỏ nhất trong gian bếp. Và rồi sau gian bếp Miss Áo dài, Thiên Long đã có thêm nhiều cơ hội tích lũy, bồi đắp kỹ năng và “chơi” với đam mê khi làm việc tại những resort lớn như: Anantara, Sealink, The Cliff, Merperle Hotel and Resort… cũng như các nhà hàng tại Sài Gòn như: Cepage, Buffalo Restaurant and Bar…

Tuy vậy, trải qua 11 năm làm nghề, Thiên Long thành thật: “Không ít lần tôi cảm thấy ngọn lửa nhiệt huyết trong mình tàn lụi”. Anh kể trong ngần ấy năm đi làm, không ít lần anh cảm thấy nản chí bởi những áp lực đôi khi vượt quá sức chịu đựng của một người trẻ. Trong đó Long nhớ nhất câu chuyện truyền lửa cho cấp dưới, Long kể: “Thời gian đầu giữ vị trí quản lý đội ngũ, tôi đã khá chật vật khi truyền lửa cho các bạn. Nhiều bạn trẻ khi làm việc vẫn còn thái độ làm qua loa cho xong và không tâm huyết với nghề. Những lúc khó quá, tôi cũng bị ảnh hưởng bởi sự vô tâm ấy mà buông thả bản thân, mặc cho ra sao thì ra. Nhưng tôi nhận ra, không ai có thể thay mình nuôi dưỡng ước mơ và hun đúc ngọn lửa nhiệt huyết”.

Cũng phải kể thêm, trong suốt quá trình theo nghề, HCV kỷ lục các món nước Việt Nam 2013 và HCB các đầu bếp trẻ tài năng 2011 là những phần thưởng mà anh trân quý bởi chúng là minh chứng cho những nỗ lực bền bỉ của anh. Tuy có được những thành công nhất định, nhưng Long lại không khỏi chạnh lòng, đặc biệt là vào những ngày lễ lớn. “Dẫu biết rằng nghề bếp mất nhiều thời gian và ràng buộc nhưng tôi không thể nghĩ mình lại yếu mềm trước những cảnh sum vầy hạnh phúc của thực khách, để rồi khi một mình trở về nhà trên đường khuya vắng, tôi tủi thân tột cùng với nghề, với đời”, Thiên Long trải lòng.

Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong suốt quãng thời gian làm bếp, Long cười buồn và nói đó sẽ là một kỉ niệm buồn theo anh đến hết cuộc đời. Thiên Long kể, đó là năm 2012, khi đang làm bếp phó tại Anantara Muine Resort & Spa Bình Thuận, Thiên Long lao đầu vào công việc với những mục tiêu khắt khe của bản thân. Hơn nữa, môi trường nước ngoài với những yêu cầu khắc nghiệt và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, khiến anh không thể thường xuyên về thăm mẹ đang điều trị ung thư giai đoạn cuối ở nhà. Đến khi nhận được tin mẹ đang đối mặt với những giây phút cuối cùng, anh vội đón xe về nhà nhưng đã không kịp nhìn mẹ lần cuối.

Mất 7 năm để tìm ra điều mình muốn

Bắt đầu với bếp Âu và dành hầu hết thời gian cho nó nhưng đến năm thứ 7, anh mới nhận ra rằng điều mình thật sự đam mê là gì và người “khai quật” đam mê ấy lại là một người ngoại quốc.

Anh kể, trong chuyến du học Ý bằng học bổng đào tạo nghề bếp mà bản thân giành được, anh có dịp nấu các món ăn Việt chiêu đãi bạn bè thế giới. Sau khi thưởng thức, tất cả mọi người đều trầm trồ và hỏi han anh rất nhiều bởi họ khá ngạc nhiên về hương vị độc đáo và hấp dẫn của món Việt do anh chế biến. Chính điều này đã khiến Thiên Long suy tư nhiều và đi đến quyết định liều lĩnh thay đổi hướng đi: “Khi chứng kiến khoảnh khắc thích thú, ngưỡng mộ các món ăn Việt của bạn bè quốc tế, tôi đã rất tự hào, xúc động và tự nhủ rằng: Tại sao mình là người Việt lại phải cố chạy theo món ăn trời Tây, mà không nhận ra vẻ đẹp của hương vị quê hương?”.

Nghĩ là làm, Long quyết định chuyển hướng. “Đến giờ mỗi khi nghĩ về bước ngoặc 7 năm tôi lại thầm cảm ơn những người bạn ngoại quốc. Chính họ đã thức tỉnh tôi và cho tôi biết rằng mình cần phải nỗ lực mỗi ngày để không đánh mất những giá trị tuyệt vời của ẩm thực Việt.”, Thiên Long cho biết thêm.

Món rau củ bày kho quẹt

Hành trình theo đuổi giấc mơ Nâng tầm món ăn Việt của Đầu bếp Cẩm Thiên Long đang từng bước được xây dựng bằng những viên gạch vững chắc. Năm 2013, anh đã thực sự chiến thắng bản thân khi giành HCV kỷ lục các món nước Việt Nam với món Lẩu thả, một món ăn đặc trưng của vùng đất Bình Thuận. Giải thưởng này đã củng cố thêm niềm tin con đường hướng theo ẩm thực Việt của anh là hoàn toàn đúng đắn. Tiếp theo đó, anh lại tình cờ biết được cuộc thi Đầu bếp đỉnh – Top Chef Vietnam 2014 trên các phương tiện truyền thông. Ngay khi nhìn thấy thông điệp “Nâng tầm ẩm thực Việt”, anh nghĩ rằng đã đến lúc mình cống hiến, tỏa sáng. Long chia sẻ: “Tôi được biết đến cuộc thi Top Chef từ rất lâu bên nước ngoài rồi, đây là một cuộc thi lớn và uy tín, và khi nó được tổ chức tại Việt Nam với sứ mệnh ‘Nâng tầm ẩm thực Việt’ tôi đã đứng ngồi không yên. Bên cạnh đó, ước mơ lớn nhất của tôi là được dùng chính tài năng của mình để tạo dựng một nhà hàng sang trọng chuyên về món ăn Việt, nhằm quảng bá hơn nữa món ăn Việt đến với càng nhiều người càng tốt, và giải thưởng của cuộc thi sẽ góp phần giúp tôi thực hiện điều đó”.

Và như một cách để viết tiếp ước mơ chinh phục và khám phá vẻ đẹp của món Việt, chàng trai trẻ đã quyết định tham gia Đầu bếp đỉnh và đã đạt được những thành công đáng mơ ước: 3 lần giành chiến thắng tuyệt đối trong các thử thách cuộc thi. Không chỉ có vậy, càng về cuối chặng đường, anh càng chứng tỏ sức bền và sự bứt phá ngoạn mục khiến giám khảo và cả những đối thủ của mình phải ngỡ ngàng.

Xem thêm một số hình ảnh của Cẩm Thiên Long và những món ăn do anh thực hiện:

Gỏi cuốn cá hồi

Tarta bò

Trường Đào tạo nghề Western

 

Rate this post

Trả lời